Thứ Hai, 22 tháng 12, 2008

Vụ án ly kỳ và những tên giết người máu lạnh





Trong những năm đầu sau ngày giải phóng, do nhiều lý do khác nhau, tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh miền Nam nói chung rộ lên nạn vượt biên trái phép, theo đó là bao đau thương, tang tóc. Chuyện xảy ra đã 29 năm nhưng lực lượng công an không thể nào quên bởi tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án với những tình tiết ly kỳ, bất ngờ.
NHỮNG GIA ĐÌNH BỊ TÀN SÁT

Hiện trường bị xáo trộn
Thấy nhà bà Trần Thị Phụng (57 tuổi, ở số 295 Bến Chương Dương, quận 1) đóng cửa im ỉm suốt hai ngày qua, từ trưa 10/11/1979 lại có mùi nồng nặc bốc lên, người dân nơi đây vội chạy tới Công an phường trình báo, nghi ngờ chuyện chẳng lành xảy ra. Các chiến sĩ công an khẩn trương đến nhà bà Phụng kiểm tra, phát hiện vụ án mạng nghiêm trọng.Nhận được tin báo, Công an quận 1 cùng các phòng nghiệp vụ CATP gồm Cảnh sát hình sự, Kỹ thuật hình sự nhanh chóng có mặt tại hiện trường, tổ chức truy xét. Cả nhà bà Phụng có ba người đều bị sát hại dã man: vợ chồng anh Nguyễn Văn Tâm (31 tuổi) - chị Phạm Thị Mỹ Dung (22 tuổi) nằm chết cạnh nhau dưới chân chiếc bàn ăn ở phòng ngoài, mâm cơm còn nguyên lạnh ngắt, đã tanh thiu; bà Phụng chết dưới nền nhà phòng trong, tất cả đều bị vật nhọn đâm và búa đập vào đầu. Lực lượng khám nghiệm vô cùng xót xa khi thấy chị Dung đang mang bầu sắp tới ngày sanh, mắt mở trừng trừng như oán thán kẻ sát nhân man rợ. Đồ đạc trong nhà bị lục soát, vứt lung tung. Một nữ chiến sĩ chợt bật khóc khi lượm được gói quần áo, tã lót chị Dung chuẩn bị cho em bé chào đời...

Ba mẹ con bà Phụng tại hiện trường
Kết quả khám nghiệm, giải phẫu tử thi cho thấy các nạn nhân bị tấn công từ trưa 8-11, chưa kịp ăn cơm. Tính chất vụ án được xác định là giết người để cướp tài sản, đối tượng phải có nhiều tên. Bà Phụng là chủ trại cưa, khá giàu có nên có ai đó đã chỉ điểm cho bọn cướp ra tay, không loại trừ khả năng hung thủ quen biết với gia chủ. Một nhân chứng cung cấp: trưa 8/11 có hai anh thợ điện vào nhà bà Phụng. Qua xác minh, ngành điện lực cho biết cả ngày 8/11 không cử nhân viên sửa chữa hay kiểm tra đường điện khu vực nhà bà Phụng.Vụ án chưa tìm ra manh mối thì ngoài 20 giờ ngày 26/11/1979, người dân quanh cầu Thị Nghè nghe tiếng la “cướp... cướp” phát ra từ nhà ông Phạm Bá Cầu (47 tuổi) ở số 195 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh và âm thanh rợn người của ai đó rớt lầu. Mọi người cùng đổ xô đến, thấy em Phạm Thị Phương Chi (14 tuổi, con ông Cầu) nằm bất động dưới đất, đầu bị thương rất nặng nên vội đưa em đi Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Trên đường đi, Phương Chi thều thào:- Nhà bị cướp... trong... có... cậu...Lực lượng công an lập tức có mặt, phát hiện cảnh tượng hãi hùng: năm người trong gia đình ông Cầu đều bị tàn sát: tại tầng trệt, ông và vợ là bà Lê Thị Duật (45 tuổi) nằm chết cạnh nhau ở phòng trong, ba người con thì xác em Phạm Bá Minh (11 tuổi) dưới ghế đi văng, bé Phạm Thị Phương Loan (7 tuổi) gục chết trong buồng tắm, cô Phạm Thị Tố Tâm (19 tuổi) bị đẩy xuống gầm giường trên lầu, hai tay bị trói vẫn nắm chặt mảnh giấy ghi dòng chữ viết vội “bị lường gạt hết rồi”. Năm nạn nhân thiệt mạng do bị siết cổ và đập đầu bằng búa. Các loại tủ trong nhà đều bị cạy phá, đồ đạc vứt khắp nơi. Các chiến sĩ công an thu giữ một sợi dây và một chiếc kéo được nghi là hung khí do bọn tội phạm bỏ lại...23 giờ, từ hiện trường trở về phòng làm việc, trung tá Trịnh Thanh Thiệp - Trưởng phòng CSHS - bốc điện thoại gọi tới Bệnh viện Chợ Rẫy hỏi thăm sức khỏe bé Phương Chi và đề nghị các bác sĩ phải cố gắng cứu lấy bé. Phương Chi vẫn hôn mê nên cán bộ chấp pháp không thể lấy sinh cung. Ngồi thừ một mình trong phòng, trung tá Thiệp trầm ngâm, đầu óc rối bời. Được điều động từ Bộ Công an về làm Trưởng phòng CSHS tại thành phố này mới hai năm tám tháng mà biết bao chuyện khủng khiếp đã xảy ra, tàn dư của chế độ cũ để lại thật nặng nề. Vụ án bắt cóc trẻ em, sát hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga vừa được khám phá, hồ sơ chưa kết thúc lại liên tiếp hai gia đình bị giết sạch. Trung tá Thiệp đang miên man suy nghĩ tìm hướng đi cho kế hoạch phá án thì chuông điện thoại reo, đầu dây bên kia thông báo: bé Phương Chi vừa trút hơi thở cuối cùng! Trung tá lặng người, ngồi phịch xuống ghế, lòng quặn lại. Thế là cả nhà ông Cầu không còn ai. Tội nghiệp bé Chi, liều mạng nhảy từ lầu một xuống mong thoát khỏi bàn tay quỷ dữ mà vẫn phải chết tức tưởi! Trung tá thất vọng, nhân chứng cuối cùng có thể biết rõ nội vụ đã câm lặng, bí mật được khép lại. Đầu mối ban đầu của vụ án mong manh, chỉ vỏn vẹn nằm ở dòng chữ nguệch ngoạc trong tay cô Tố Tâm và tiếng nói đứt quãng lúc bé Phương Chi đi viện...Sáng 27/11, lực lượng công an vẫn tiếp tục khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết tội phạm và tiến hành ghi lời khai các nhân chứng. Người hiếu kỳ đứng vòng trong vòng ngoài, xì xầm bàn tán. Chợt một thanh niên chừng 30 tuổi rẽ đám đông xông vào nhà. Đang chỉ huy tổ công tác tại đây, Đội phó trọng án Phạm Văn Thịnh (nay là đại tá, nguyên Phó phòng CSHS, Trưởng phòng CSGT đường thủy, Trưởng công an quận 2, Trưởng phòng CSGT đường bộ Công an TP. Hồ Chí Minh) liền giữ anh ta lại. Anh thanh niên nói ngay:- Nghe tin gia đình anh chị tui gặp tai họa, tui tới xem cụ thể thế nào.- Anh là ai? - Đội phó Thịnh hỏi.- Tui là em họ bà Duật, cậu của sắp nhỏ - anh thanh niên đáp.Phạm Văn Thịnh giật mình, nghĩ tới câu nói như lời trăng trối của bé Phương Chi: “Nhà bị cướp, trong có... cậu...” nên mời anh ta ra trụ sở công an phường. Vừa nói vừa khóc, anh thanh niên cho biết tên là Lê Hữu Thọ, hộ khẩu ở số 110 Mai Thúc Loan, thành phố Huế, mới vào Sài Gòn mấy ngày nay, hôm qua có ghé thăm ông bà Cầu từ lúc 11 giờ nhưng ông bà đi vắng. Trong bữa cơm trưa, ngoài bốn đứa cháu còn có ba thanh niên, anh Thọ thấy lạ là họ chọn ngồi chỗ tối, cứ cắm cúi ăn mà chẳng nói năng gì. Khi ông bà Cầu về, anh Thọ đem thắc mắc ra hỏi. Do chỗ người nhà nên ông Cầu nói thật: họ ở một tổ chức vượt biên, tối nay sẽ đưa cháu Tố Tâm đi trước, chắc họ sợ bị lộ nên ngại tiếp xúc với người lạ. Anh Thọ ở chơi đến 4 giờ chiều thì về nhà người em ở phường 11 quận Phú Nhuận.“Tia sáng của vụ án đây rồi!”, Đội phó Thịnh mừng rỡ, vội đưa anh Thọ về gặp trung tá Trịnh Thanh Thiệp. Tuy nhiên nhân chứng chỉ cung cấp thêm thông tin ít ỏi: trong ba thanh niên thì một người mặc quần áo thanh niên xung phong, một người nghe cô Tố Tâm kêu tên “Nghĩa”... (Còn tiếp)




Theo Công an TP.HCM